Lao đao vì giá xăng dầu tăng

14/03/2022 | 18:38

Giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi đánh bắt hải sản không hiệu quả, cộng với giá hải sản thấp nên nhiều chủ tàu phải chọn giải pháp cho phương tiện nằm bờ, hoặc cắt giảm phiên biển để giảm bớt rủi ro.

Sở hữu đôi tàu công suất hơn 1.500 mã lực, khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa, mỗi chuyến vươn khơi, ông Nguyễn Sáu, ngư dân phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ nạp khoảng 14.000 lít dầu Diesel và thanh toán cho đại lý theo hình thức mua trước, trả sau. Tuy nhiên, khi giá dầu tăng cao, chủ đại lý nêu lý do không được hưởng tiền chiết khấu nên không bán nợ cho chủ tàu. Tình thế khó khăn, ông Sáu phải chọn giải pháp sản xuất giã gạo để vừa giữ nghề, vừa giữ bạn thuyền và chờ nhiên liệu giảm giá.

Ông Sáu cho biết: “Tôi có 2 chiếc tàu, nhưng chỉ có 1 chiếc đi biển, còn chiếc kia phải nằm bờ vì tôi không có tiền để mua dầu. Bây giờ, chủ cây dầu họ cũng không bán nợ cho tôi, nên tôi chỉ gom góp, vay mượn bà con ở nhà bỏ vô đi 1 chiếc thôi, còn 1 chiếc đành phải nằm bờ, chờ giá dầu giảm và chờ tỉnh chi trả kinh phí hỗ trợ dầu năm 2021 để tiếp tục khai thác trên biển”.

Hành nghề khai thác cá chuồn ở ngư trường xa bờ, thời điểm này đã vào mùa chính vụ, nhưng ngư dân Nguyễn Phận, thuyền trưởng tàu cá QNg 94419 TS vẫn đang cho tàu nằm bờ sau hơn một tháng nghỉ biển đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Lý giải cho việc chưa vươn khơi bám biển, ngư dân Phận cho hay, thông thường, phiên biển của ông chỉ diễn ra từ 15-20 ngày. Do nguồn hải sản cạn kiệt nên gần đây, thời gian hoạt động trên biển cứ kéo dài lên đến 1 tháng có dư, điều này khiến chi phí sản xuất cũng tăng lên rất nhiều so với trước. Tổn phí nhiều, trong khi giá bán sản phẩm phải liên tục chạy theo giá nhiên liệu, nên thu nhập của ông và lao động trên tàu quay về con số âm.

Ngư dân Nguyễn Phận thở dài ngao ngán: “Dầu lên mà cá cân không lên. Chẳng hạn như trước đây, giá dầu cỡ 12.000-13.000 đồng/lít, còn cá được 20.000-21.000/kg thì 1kg cá có thể đổi được 2 lít dầu, hoặc 1,5 lít dầu. Còn bây giờ thì ngược lại, 1 lít dầu phải đổi 1kg hoặc 1,5kg cá mới đủ, cho nên bà con làm ăn rất vất vả, khó khăn”.

Giá dầu liên tục tăng, giá bán hải sản thì ở mức “bình ổn”, làm cho nghề cá của ngư dân vô cùng lao đao. Qua tham khảo, hiện nay, giá thu mua tại các cảng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dao động từ 12.000-120.000 đồng/kg và tùy thuộc vào mặt hàng hải sản tiêu thụ trong nước, hay xuất khẩu. Giá phổ biến cho các loại sản phẩm tiêu thụ nội địa là: cá ngừ 50.000-60.000 đồng/kg, cá nục điếu 20.000 đồng/kg, cá cơm 12.000-15.000 đồng/kg, cá chuồn 18.000-20.000 đồng/kg, cá tạp chỉ có giá từ 3.000-5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, khi các tàu đi khai thác đồng loạt đổ về bến, thì giá bán hải sản lại đi thụt lùi. Ngư dân Phạm Nhân, ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi than vãn: “Xăng, dầu liên tục tăng giá như hiện nay thì ngư dân kiếm “miếng ăn” từ nghề biển hơi “chát”. Mấy ngày nay, tàu tôi có 2 người bỏ biển, lên bờ đi làm công nhân, nên giờ lại thêm nỗi lo thiếu bạn đi biển nữa”.

Thời điểm này, tại các khu neo đậu, cảng cá ở Quảng Ngãi như Sa Kỳ (huyện Bình Sơn), Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (thành phố Quảng Ngãi), Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ)..., thuyền của ngư dân lại neo đậu khá nhiều so với mùa khai thác năm 2021. Những ngày qua, ông Nguyễn Bình (trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) như ngồi trên “đống lửa”. Kể từ Tết Nguyên đán 2022 đến nay, con tàu khai thác xa bờ gần 4 tỉ đồng của ông vẫn “nằm bất động” tại khu neo đậu tàu thuyền.

ngư dân lao đao vì giá xăng

Ngư dân Nguyễn Sáu neo cột, bảo quản thiết bị trên tàu nằm bờ. Ảnh: Văn Tánh

Ông Bình cho biết, tàu cá mang số hiệu QNg 95526 TS của ông có công suất 800 CV, mỗi chuyến ra khơi từ 20 - 30 ngày tiêu thụ từ 8.000 - 10.000 lít dầu, với mức dầu 21.310 đồng/lít như hiện nay, chỉ riêng chi phí dầu đã tăng thêm khoảng 100 - 125 triệu đồng. Ngoài ra, còn tiền thực phẩm, nước uống và tiền đặt cọc công lao động cho 15 thuyền viên... đã lên đến gần 1 tỉ đồng.

“Đó mới chỉ là chi phí nhiên liệu, hàng loạt chi phí khác cũng sẽ tăng theo xăng dầu như đá lạnh, thực phẩm, rồi tiền công lao động của thuyền viên cũng theo đó mà đòi tăng theo... Giờ nguồn hải sản đánh bắt ngày càng giảm, nên anh em ngư dân chúng tôi xác định ra khơi đánh bắt là cầm chắc phần lỗ trong tay” - ông Bình bộc bạch.

Ra khơi hay neo bờ là câu chuyện chưa có lời giải cho bà con ngư dân giữa lúc giá xăng, dầu “leo thang”. Bởi bám biển là nhận phần lỗ về mình, còn nằm bờ thì tàu hỏng, thiết bị han rỉ, vốn vay ngân hàng đóng tàu đến ngày trả nợ. Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, ông Nguyễn Thanh Hùng nói: Bà con ngư dân bây giờ “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.

ngư dân lao đao vì giá xăng

Ngư dân trên tàu cá ông Phạm Nhân đưa hải sản lên bờ. Ảnh: Văn Tánh

Theo cơ quan chức năng quản lý tàu cá, hiện, có rất nhiều tàu thuyền khai thác không đủ bù chi phí nhiên liệu, nên hàng loạt chủ tàu phải chọn giải pháp cho phương tiện nằm bờ, hoặc cắt phiên, chuyến để giảm bớt rủi ro. Thực trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân mưu sinh nghề biển.

Đại úy Phan Xuân Huề, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, BĐBP Quảng Ngãi trao đổi với chúng tôi: “Hiện tại, do giá cả thị trường leo thang, đặc biệt là giá dầu tăng cao dẫn đến một số tàu nằm bờ, còn một số chủ tàu lựa chọn giải pháp hoạt động cầm chừng và giảm bớt bạn, giảm bớt thời gian đi biển để tránh thất thu”.

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 6.000 tàu cá và hàng nghìn ngư dân sinh sống bằng nghề biển. Vươn khơi không chỉ là công việc mưu sinh, mà còn là trách nhiệm bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của quê hương, đất nước. Bà con vùng biển chỉ mong ngóng giá nhiên liệu giảm nhiệt để công việc làm ăn được thuận buồm, xuôi gió.

Văn Tánh

Nguồn: Báo Biên Phòng

Gửi bình luận

Gửi Làm lại

Các đơn vị tài trợ

CÔNG TY TNHH UNI - PRESIDENT VIỆT NAM

CÔNG TY TNHH UNI - PRESIDENT VIỆT NAM

Số 16-18, Đường ĐT 743, KCN Sóng Thần II Thị xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương

CTY TNHH NUTRECO INTERNATIONAL VIETNAM

CTY TNHH NUTRECO INTERNATIONAL VIETNAM

Lô 22A, đường số 1, Khu Công Nghiệp Tân Tạo, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh

Công ty Cổ Phần Thủy sản Việt Úc

Công ty Cổ Phần Thủy sản Việt Úc

Km1595, QL1A, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong

DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN DƯƠNG HÙNG

DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN DƯƠNG HÙNG

Ấp Bình Điền, Xã Long Điền Tây, H. Đông Hải

Công ty Cổ phần Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh

Công ty Cổ phần Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh

Công ty Cổ phần Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh

Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản

Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, TP Hà Nội

CÔNG TY TNHH GROBEST INDUSTRIAL VIỆT NAM

CÔNG TY TNHH GROBEST INDUSTRIAL VIỆT NAM

Số 9 - Đường 3A - KCN Biên Hoà 2 - TP. Biên Hoà - Đồng Nai

Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long

Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long

Lô A 5, Đức Hoà 1, Đức Hòa, Long An

CÔNG TY CỔ PHẦN CHĂN NUÔI C.P. VIỆT NAM

CÔNG TY CỔ PHẦN CHĂN NUÔI C.P. VIỆT NAM

KCN Bàu Xéo, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai

Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Phòng 303, tầng 3, nhà A7, số 10 Nguyễn Công Hoan, quận Ba Đình

Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Số 16 - Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG NHẬN VÀ GIÁM ĐỊNH VINACERT

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG NHẬN VÀ GIÁM ĐỊNH VINACERT

Tầng 4 tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, P. Tương Mai, Q. Hoàng Mai, Tp Hà Nội