Thủy sản Việt Nam: 60 năm hội nhập và phát triển

01/04/2019 | 09:20

60 năm hình thành và phát triển (1959 - 2019), ngành thủy sản đã có bước bứt phá mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột chính của sản xuất nông nghiệp. Tiếp nối trang sử hào hùng, toàn ngành đang tiếp tục phát triển và hội nhập ngày một sâu rộng hơn nữa trên trường quốc tế.

Ngành thủy sản đã có những bước phát triển nhanh và ổn định 

Một chặng đường vẻ vang

Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Bác đã căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng phát triển kinh tế biển và ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.  Ngày 1 tháng 4 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam. Trải qua 60 năm, ngành đã có những chuyển mình mạnh mẽ, trở thành mũi nhọn của nền kinh tế đất nước.

Năm 1960, Tổng cục Thủy sản được thành lập, đánh dấu thời điểm ra đời của ngành thủy sản Việt Nam. Đến năm 1975, sản lượng khai thác cá biển đạt gần 100 nghìn tấn, thu mua và chế biến hải sản hơn 51 nghìn tấn, NTTS đạt 1.800 tấn, các HTX thủy sản được hình thành và phát triển với 356 HTX nghề cá.

Năm 1976, Bộ Hải sản được thành lập và đến năm 1981 được tổ chức lại thành Bộ Thủy sản. Ngành thủy sản bước vào giai đoạn phát triển toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ, chế biến và xuất khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, bước đầu tham gia hội nhập với nghề cá thế giới.

Năm 1986, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 840 nghìn tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt gần 600 nghìn tấn, nuôi trồng hơn 240 nghìn tấn; xuất khẩu đạt 100 triệu USD; thu mua hải sản hơn 370 nghìn tấn. Cả nước có 563 HTX và 2.321 tập đoàn sản xuất thủy sản. Đến năm 1995, tổng sản lượng thủy sản đạt 1,34 triệu tấn, trong đó, khai thác 928,8 nghìn tấn, nuôi trồng 415,3 nghìn tấn; xuất khẩu đạt 550 triệu USD. Năm 1990, ngành thủy sản đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Ngành thủy sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam; Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản; Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Đề án phát triển NTTS đến năm 2020; Quy hoạch phát triển chế biến thủy sản toàn quốc. Năm 2007, Bộ Thủy sản hợp nhất với Bộ NN&PTNT; tháng 1/2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT; tháng 3/2013 lực lượng Kiểm ngư được thành lập.

Chuyển dịch mạnh mẽ

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng thứ 4 thế giới 

Luật Thủy sản năm 2017 được Quốc hội ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác là cơ sở pháp lý để ngành thủy sản tiếp tục phát triển mạnh, duy trì nhịp độ tăng trưởng cao; đánh dấu việc đổi mới tư duy quản lý ngành từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và đáp ứng yêu cầu hội hập quốc tế.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, ngành thủy sản đã có những bước phát triển nhanh và ổn định. Về khai thác, đã chuyển dịch theo hướng trở thành nghề cá cơ giới, tăng cường khai thác ở vùng biển xa bờ, hướng vào các đối tượng có giá trị cao và các đối tượng xuất khẩu. Cùng với đó là ổn định khai thác vùng ven bờ, khai thác đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, môi trường sinh thái.

NTTS đã trở thành một ngành sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ kỹ thuật tiên tiến, phát triển ở tất cả các thủy vực nước ngọt, nước lợ, nước mặn theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, hài hòa với các ngành kinh tế khác. Nếu như năm 1981 diện tích nuôi trồng là 230 nghìn ha, nay đã đạt 1,3 triệu ha.

Về chế biến xuất khẩu, hiện xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, số 1 Đông Nam Á. Sản phẩm thủy sản Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 170 nước trên thế giới; kim ngạch đạt trên 9 tỷ USD.

Phát triển bền vững

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững”.

 Để đạt được mục tiêu đó, ngành thủy sản đã cơ cấu lại cho phù hợp; tổ chức các cấp hướng đến một nghề cá bền vững, trách nhiệm, khai thác có hiệu quả, hội nhập trước thách thức của thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu; cần phải tổ chức theo chuỗi khép kín; tăng cường chế biến bằng cách làm tăng chất lượng sản phẩm.

Ngành đang tập trung nuôi trồng thủy sản có quy hoạch chặt chẽ và bằng những công nghệ hiện đại nhất; đồng thời tích cực phân tích và tìm các thị trường mới, đảm bảo đầu ra cho ngành thủy sản. Ngành thủy sản Việt Nam cũng thu hút mạnh vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phát triển các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ và người nuôi; xây dựng các vùng nuôi công nghiệp sản xuất hàng hóa lớn; xây dựng và đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống thú y thủy sản từ trung ương đến địa phương.

Để đạt mục tiêu 10 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam tập trung nâng cao công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu, giải quyết dứt điểm vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và các loại bệnh phổ biến trong tôm nuôi hiện nay, nhằm củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm tôm Việt Nam và tăng cường xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Australia...

Nhìn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển, ngành thủy sản Việt Nam tự hào góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, đem lại công ăn việc làm triệu triệu người nông dân, khẳng định vị thế trên thương trường thế giới. Có được thành công đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, nhà nước, lãnh đạo ngành qua các thế hệ, đóng góp của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp cả nước.

Hướng tới những mục tiêu mới, toàn ngành quyết tâm đồng lòng phát huy truyền thống của mình, tiếp tục khẳng định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, vừa phát triển kinh tế vừa khẳng định chủ quyền biển, đảo, thực hiện mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh”. 

>> 60 năm hình thành và phát triển, ngành thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc. Năm 2018, sản lượng thủy sản đạt hơn 7,74 triệu tấn, gấp 5,6 lần so với năm 1995; xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD (năm 1999) và đạt hơn 9 tỷ USD (năm 2018), đưa Việt Nam vào vị trí các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Những thành tích ấn tượng Trong quá trình xây dựng và phát triển, bên cạnh phần thưởng cao quý do Nhà nước trao tặng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, ngành thủy sản đã được Nhà nước đánh giá, ghi nhận thành tích và khen thưởng dưới nhiều hình thức. Có thể kể đến như: 
- 13 tập thể và 9 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 
- 17 cá nhân được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc, 5 Nhà giáo ưu tú, hàng trăm Chiến sĩ thi đua ngành; hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; hàng nghìn tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thủy sản; hàng vạn cá nhân được tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp phát triển Nghề cá”. 
- 1 Giải thưởng Hồ Chí Minh; 2 Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ trao cho các công trình nghiên cứu khoa học; 10 Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ khác. 
- 3.435 cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến các loại. 
- Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh. 
- Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành thủy sản, Tổng cục Thủy sản vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước.
Nguyễn Ngọc Oai - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
Gửi bình luận

Gửi Làm lại

Các đơn vị tài trợ

CÔNG TY TNHH UNI - PRESIDENT VIỆT NAM

CÔNG TY TNHH UNI - PRESIDENT VIỆT NAM

Số 16-18, Đường ĐT 743, KCN Sóng Thần II Thị xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương

CTY TNHH NUTRECO INTERNATIONAL VIETNAM

CTY TNHH NUTRECO INTERNATIONAL VIETNAM

Lô 22A, đường số 1, Khu Công Nghiệp Tân Tạo, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh

Công ty Cổ Phần Thủy sản Việt Úc

Công ty Cổ Phần Thủy sản Việt Úc

Km1595, QL1A, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong

DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN DƯƠNG HÙNG

DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN DƯƠNG HÙNG

Ấp Bình Điền, Xã Long Điền Tây, H. Đông Hải

Công ty Cổ phần Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh

Công ty Cổ phần Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh

Công ty Cổ phần Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh

Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản

Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, TP Hà Nội

CÔNG TY TNHH GROBEST INDUSTRIAL VIỆT NAM

CÔNG TY TNHH GROBEST INDUSTRIAL VIỆT NAM

Số 9 - Đường 3A - KCN Biên Hoà 2 - TP. Biên Hoà - Đồng Nai

Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long

Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long

Lô A 5, Đức Hoà 1, Đức Hòa, Long An

CÔNG TY CỔ PHẦN CHĂN NUÔI C.P. VIỆT NAM

CÔNG TY CỔ PHẦN CHĂN NUÔI C.P. VIỆT NAM

KCN Bàu Xéo, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai

Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Phòng 303, tầng 3, nhà A7, số 10 Nguyễn Công Hoan, quận Ba Đình

Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Số 16 - Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG NHẬN VÀ GIÁM ĐỊNH VINACERT

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG NHẬN VÀ GIÁM ĐỊNH VINACERT

Tầng 4 tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, P. Tương Mai, Q. Hoàng Mai, Tp Hà Nội